Sản phẩm thủ công từ vỏ dừa ở Đồng Nai

02/03/2021 2348 0

Dùng vỏ dừa khô đựng bình trà để giữ ấm đã trở thành nét sinh hoạt quen thuộc suốt hàng trăm năm qua của người Nam Bộ, bởi trà ngon nhất phải dùng khi nóng, để nguội sẽ không còn hương vị đặc trưng của trà nữa. Riêng ở Đồng Nai, nghề làm bình dừa ủ trà ở Phú Hội, Nhơn Trạch có truyền thống hơn 40 năm qua.

Theo ông Tư Rớ - người duy nhất làm bình dừa ủ trà ở vùng đất Long Thành - Nhơn Trạch. Để làm bình dừa ủ trà thì chỉ có trái dừa Bưng (một loại dừa to trái, giống cũ) là cho bình đẹp nhất. Cây dừa Bưng trồng 7-8 năm, thân cao 7-8m mới cho trái. Buồng ít, thưa trái, nước không ngọt nên ít người trồng. Buồng nào có từ 1-4 trái thì mới ra sản phẩm bình loại 1, buồng 6-8 trái thì chỉ là bình loại 2, loại 3. Cho nên, giống dừa này ngày càng quý hiếm đối với người làm bình dừa ủ trà.

Bình dừa ủ trà tuy nhìn đơn giản, nhưng quá trình làm đòi hỏi phải cả thời gian lẫn kỹ thuật, cũng như sự nhẫn nại của người làm. Từ việc lựa chọn trái dừa khô phải có gáo to, tròn trịa, ba cạnh đáy phải bằng nhau, đặc biệt dừa được chọn làm phải là dừa trái rụng tự nhiên thì khi làm bình mới đẹp được. Khâu khó nhất phải kể đến là cưa trái dừa ra 2 phần: nắp và bình. Cưa làm sao để khi gắn lại nó khít với nhau. Như vậy, khả năng giữ nhiệt của bình mới lâu và chỉ cần nhìn đường cưa là khách hàng đánh giá người thợ có tay nghề giỏi.

Không dừng lại là những quả dừa khô mộc mạc được khoét rỗng ruột và tô bên ngoài bằng chất liệu dầu bóng hoặc đánh vecni rồi thôi. Bên ngoài vỏ bình trà ở Phú Hội còn được người làm tỉ mỉ vẽ lên phong cảnh, linh thú, bonsai, câu đối nhằm tăng thêm sự hấp dẫn và hợp với tâm lý yêu thiên nhiên, thích hoa hòe, màu sắc sặc sỡ của người nông thôn quê xứ Nhơn Trạch. Sau này, bình dừa ủ trà còn vẽ theo yêu cầu của khách hàng lên vỏ bình dừa ủ trà cho phù hợp với thị hiếu và thẩm mĩ của mỗi người.

Thu Trang

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu