Phát triển du lịch sinh thái rừng ở Đồng Nai

26/11/2020 1771 0

Những năm qua, tỉnh Đồng Nai đã có nhiều chính sách đầu tư cho việc bảo tồn và phát huy các giá trị thiên nhiên, văn hóa, lịch sử. Đặc biệt, Khu bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai, nơi được xem là mái nhà chung của trên 1.400 loài thực vật, gần 2.000 loài động vật quý hiếm cùng nhiều di tích lịch sử có giá trị, công tác bảo tồn lại đặc biệt coi trọng. Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai còn có những đặc trưng cơ bản như môi trường thiên nhiên quý hiếm và vô cùng giá trị. Trong đó, vùng sinh cảnh đa dạng, phong phú, với hầu hết các loại rừng trong khu vực được hình thành từ kiểu rừng trên đất thấp ven sông đến rừng trên núi, cùng các hệ sinh thái đa dạng, phong phú là môi trường sống lý tưởng cho các loài sinh vật, nhất là động vật có vú, chim, bò sát và cá… 

Đáng chú ý, Vườn Quốc Gia Cát Tiên gồm nhiều hệ sinh thái tự nhiên từ rừng đầu nguồn, có chức năng điều tiết nước lưu vực sông Đồng Nai, cung cấp nước ngọt vào mùa khô và khống chế ngập lụt vào mùa mưa cho cả một vùng rộng lớn miền Đông Nam bộ… Hay như Khu Bàu Sấu rộng hơn 3.500 ha vào mùa mưa, và thu hẹp khoảng 100-150 ha vào mùa khô thuộc huyện Tân Phú được Ban thư ký công ước Ramsar công nhận ngày 4/8/2005. Trước nhu cầu của khách du lịch, hiện Ban Quản lý VQG Cát Tiên đã nghiên cứu, đánh giá mô hình khách nước ngoài đến vườn để nghiên cứu về đa dạng sinh học kết hợp du lịch, cùng với các chương trình, dự án bảo tồn dựa vào cộng đồng và phát triển du lịch sinh thái của tỉnh, để đây không chỉ còn là Khu dự trữ thiên nhiên hay Khu bảo toàn loài sinh cảnh mà còn là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước khi đến đây.

Ngoài ra, với mục tiêu phát triển du lịch sinh thái rừng ngay tại TP.Biên Hòa, góp phần bảo vệ môi trường cho đô thị loại I, mới đây UBND tỉnh Đồng Nai đã họp bàn duyệt chi ngân sách 500 tỷ đồng để thực hiện dự án Quy hoạch và xây dựng rừng phòng hộ môi trường cảnh quan Biên Hòa. Trong đó có 7 hạng mục chính là: Xây dựng rừng sinh cảnh; xây dựng khu sưu tập động thực vật; xây dựng khu hành chính dịch vụ; xây dựng khu tái định cư để di dời các hộ dân ra khỏi khu vực rừng; đầu tư khu nghiên cứu, đào tạo, giáo dục; xây dựng hệ thống đường giao thông xung quanh để phục vụ cho du lịch, nghiên cứu và hạng mục bảo vệ rừng. Dự án nằm trên địa bàn 6 phường, xã của TP. Biên Hòa và 2 huyện: Trảng Bom, Vĩnh Cửu.  Hiện tại dự án đã và đang triển khai hơn 70% trong tổng các hạng mục. dự án có gần 157ha rừng với mật độ cây trồng 160-550 cây/ha với hơn 200 loài. Diện tích còn lại 54ha là đường giao thông, suối và các hộ dân trồng rau, cây ăn trái. Hiện có khoảng 295 hộ đang sử dụng đất rừng trong dự án và sau khi làm việc đã có 198 hộ chấp thuận di dời”. Dự kiến sau khi việc di dời hoàn tất, sẽ xây dựng một số đường giao thông xung quanh để đưa vào khai thác du lịch.

Với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, tỉnh luôn xác định, phát triển du lịch, trong đó có sinh thái rừng là tất yếu. Trên cơ sở quy hoạch đã được phê duyệt, tỉnh đang tập trung chỉ đạo ngành văn hóa - thể thao và du lịch và các địa phương tích cực thu hút đầu tư, tập trung mở mang sản phẩm, loại hình để du lịch sinh thái rừng trở thành điểm nhấn trong phát triển du lịch của tỉnh nhà.

Thu Trang

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu