10/04/2023 23/04/2023
217 0
Ở nhiều địa phương, việc lưu giữ, phát triển những món ăn, thức uống từ truyền thống đến hiện đại gắn với phát triển du lịch là xu hướng phổ biến. Nhiều doanh nghiệp (DN), nhà hàng chủ động, tích cực thay đổi chính sách kích cầu, quảng bá nhằm thu hút khách du lịch, đa dạng tính trải nghiệm, trong đó có trải nghiệm ẩm thực.
Đại diện đầu bếp của các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn TP.Biên Hòa tham dự chương trình Ngày hội Giao lưu
thiết kế món ăn mới và set up bàn tiệc do Công ty CP Du lịch Đồng Nai (Donatours) tổ chức vào tháng 3-2023
Tại Đồng Nai, ẩm thực địa phương có sự giao lưu nhằm đáp ứng thị hiếu, trải nghiệm du lịch của du khách trong và ngoài tỉnh. Ẩm thực trở thành một trong những yếu tố mang lại dấu ấn, nét đặc trưng riêng của địa phương để thu hút, níu chân du khách.
* Gắn ẩm thực với phát triển du lịch
Du lịch và ẩm thực đã không còn xa lạ với những “tín đồ” thích xê dịch. Du lịch ẩm thực là một loại hình du lịch khá phổ biến hướng tới những trải nghiệm, thưởng thức các món ăn đặc sản, gắn liền với văn hóa, bản sắc của từng điểm đến. Văn hóa ẩm thực có vai trò quan trọng trong việc góp phần làm tăng hiệu quả cho hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch, thu hút du khách đến các địa phương.
Nhắc đến ẩm thực Đồng Nai, phải kể đến các món ăn như: gỏi cá Biên Hòa, xôi phồng, các món đặc sản từ hồ Trị An, vùng trái cây Xuân Lộc, Long Khánh, các món chế biến từ bưởi ở Tân Triều, các loại thủy sản ở Nhơn Trạch…
Hay như đối với tour du lịch sinh thái, du khách còn có thể trải nghiệm, tham quan mùa hoa rừng, thưởng thức rau rừng, cá suối, trong đó có các món đặc sản như: gỏi xoài cá chèn suối, cá lăng sông nấu măng, rau nhíp đọt mây…
Chị Mỹ Ngọc (P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) cho biết, ẩm thực Đồng Nai vốn có nhiều món ngon lợi thế như: làng bưởi Tân Triều (H.Vĩnh Cửu); gỏi cá Tân Mai, xôi chiên phồng (TP.Biên Hòa); cơm lam, rượu cần, thịt nướng xiên, cá cơm La Ngà (H.Định Quán, H.Tân Phú); lẩu khổ qua rừng (TP.Long Khánh)... Tuy nhiên, hiện ẩm thực địa phương đang chịu sức ép cạnh tranh từ các loại ẩm thực du nhập, vùng miền với nhiều hình thức bắt mắt, độc đáo. Đứng trước bối cảnh và xu hướng cạnh tranh đó, việc phát triển ẩm thực để trở thành “sản phẩm du lịch” là vô cùng cần thiết.
Một món ăn từ tôm được trang trí, trình bày khá bắt mắt. Ảnh: H.Quân
Chị Như Quỳnh, nhân viên văn phòng ở Q.3, TP.HCM chia sẻ: “Tôi từng có nhiều dịp du lịch trải nghiệm ở Đồng Nai. Trong đó, tôi khá ấn tượng khi thưởng thức những đặc sản ở hồ Trị An, Vườn Cát Tiên. Những món ăn mà tôi ấn tượng là tép um cuốn bánh tráng, gỏi xoài khô cá kìm, cá lăng sông nấu măng… Những món ăn này có nguồn nguyên liệu tươi ngon kết hợp cách chế biến dân dã đã góp phần tạo thêm điểm cộng cho các tour du lịch sinh thái ở địa phương”.
Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Trị An Adventure (H.Trảng Bom) Thân Văn Linh cho biết, bên cạnh việc tham quan, trải nghiệm du lịch, du khách nhất là các bạn trẻ thích xê dịch ngày càng quan tâm, tìm hiểu và thưởng thức nhiều món ăn đồng quê, dân dã mang đặc trưng riêng của ẩm thực địa phương, các món ăn được chế biến từ cá suối, rau rừng… Thông qua những món ăn bình dị, du khách sẽ có thêm nhiều trải nghiệm, cảm nhận gắn liền với văn hóa, bản sắc của địa phương.
* Cần thêm những “menu” mới
Bên cạnh việc nâng cao chất lượng các tour du lịch gắn với những trải nghiệm ẩm thực địa phương, các đơn vị, DN kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn cũng ngày càng chú trọng phát triển những món ăn vừa giữ được nét truyền thống, đặc trưng của từng khu vực, địa phương, vừa đáp ứng về thị hiếu, khẩu vị của du khách.
Đầu bếp Lý Sanh, nguyên Chủ nhiệm Chi hội Đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn, cố vấn của Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam chia sẻ, Đồng Nai có rất nhiều đặc sản, món ăn truyền thống nổi bật với nguồn nguyên liệu phong phú, dồi dào. Trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, việc nâng tầm ẩm thực địa phương cần được duy trì, đầu tư. Trong đó, các chương trình kết nối, giao lưu, hội thi về ẩm thực địa phương, ẩm thực vùng miền cần được tăng cường triển khai nhằm phát huy giá trị ẩm thực địa phương, đa dạng các trải nghiệm về ẩm thực để phục vụ thực khách.
Chị Thúy Nga (ngụ P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) bày tỏ: “Hiện tại Biên Hòa và các địa phương đã quy hoạch nhiều không gian công cộng, do đó theo tôi cần tổ chức thêm nhiều hội chợ, triển lãm, liên hoan ẩm thực địa phương để kết nối, quảng bá hương vị truyền thống Đồng Nai đến du khách trong nước nói chung và người dân địa phương nói riêng. Đồng thời, tôi mong muốn các món ăn địa phương sẽ được nghiên cứu, đóng gói cấp đông như: lẩu khổ qua rừng, thịt nướng ướp sẵn, cá cơm tẩm bột... để khi cần có thể sơ chế hoặc chế biến đơn giản là sẽ có dùng ngay”.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng Nai Trần Đăng Ninh chia sẻ, các hoạt động, chương trình giao lưu, cuộc thi về thiết kế món ăn mới và sắp đặt bàn tiệc cần được quan tâm, nhân rộng. Đây là hoạt động nhằm giúp đội ngũ đầu bếp, dịch vụ nhà hàng nâng cao kiến thức nghiệp vụ, có điều kiện giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm ở hoạt động chế biến, trang trí bàn tiệc thông qua những ý kiến, góp ý, đánh giá từ các đầu bếp, đội ngũ tư vấn có chuyên môn cao. Qua mỗi dịp này, các đầu bếp nói riêng và các đơn vị, công ty du lịch, nhà hàng... nói chung có thể giao lưu, học hỏi lẫn nhau, từ đó nâng cao chất lượng phục vụ, phát huy các giá trị ẩm thực của địa phương.
Hoàng Hải