Đặc sắc nghệ thuật Múa Bóng rỗi

27/03/2020 2915 0

Múa bóng rỗi hay còn được gọi là múa bóng là một loại hình nghệ thuật múa hát nghi lễ dân gian độc đáo, thường được tổ chức vào các dịp lễ hội tại các đền, miếu Nam Bộ. Gần đây, khi được đưa vào giới thiệu tại một số hoạt động văn hóa, du lịch, loại hình này đã nhanh chóng trở thành một di sản thu hút sự quan tâm của nhiều du khách trong và ngoài nước.

 

Múa bóng rỗi có hai bộ phận là múa bóng và hát rỗi. Múa thông qua những động tác tạo hình biểu hiện sự kính dâng lễ vật lên thần linh. Đây là phần lúc nào cũng được mọi người quan tâm chờ đón. Một số bà bóng chịu khó tập luyện nên trình diễn những động tác múa khá điêu luyện, khéo léo như làm xiếc, khiến người xem lúc nào cũng hồi hộp, tò mò chờ đợi. 

 

Đây là môn nghệ thuật diễn xướng và hát để thể hiện truyền thống tri ân, uống nước nhớ nguồn của con người đối với thần linh, đối với tổ tiên và những người đã khuất. Trang phục của các bà bóng vì thế cũng rất cầu kỳ, đầy đủ áo, mũ, váy, khăn choàng cổ, ngạch quan. Việc trang điểm cũng chăm chút, đậm phấn son. 

 

Nói đến nghệ thuật múa bóng rỗi ở Đồng Nai, người ta sẽ nhắc ngay đến nghệ nhân Kim Phụng (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa), người đã “giữ lửa” cho môn nghệ thuật này và tham gia các hội thi, hội diễn trong và ngoài tỉnh. Bà đã có hơn 40 năm trong nghề và hiện nay 2 cô con gái của bà cũng muốn kế nghiệp theo bà.
Theo các nhà nghiên cứu, để bảo tồn và lưu giữ giá trị văn hóa tinh thần đối với múa bóng rỗi thì nên khai thác múa bóng rỗi thành sản phẩm du lịch. Chỉ khi đưa các sản phẩm văn hóa tinh thần đến với du khách, thông qua những hình ảnh sống động để họ được mắt thấy, tai nghe thì việc lưu truyền sẽ phát huy được tác dụng.

DH

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu