Đặc sắc nghệ thuật múa dân gian của đồng bào dân tộc

23/03/2021 2049 0

Mỗi dân tộc đều thể hiện các điệu múa khác nhau tạo nên sự phong phú và đa dạng. Các bài múa truyền thống của người Chơro đơn giản, dễ thực hiện như: hai tay đưa lên ngang vai, cổ tay cuộn vào, cuộn ra, chân bước đều được kết hợp nhịp nhàng… Tại Đồng Nai, múa dân gian được sử dụng rộng rãi trong các buổi sinh hoạt cộng đồng, nhất là vào dịp lễ, tết của đồng bào các dân tộc như: lễ cúng thần Núi, thần Rừng của người Chơro; lễ xuống đồng đầu năm mới của người Tày, Nùng…

Khi vào lễ hội, mọi người đi thành từng vòng tròn, cứ thế múa, hát cho đến khi âm nhạc kết thúc. Còn điệu múa của đồng bào Mạ cũng khá đặc sắc, thường có 3 loại: múa sinh hoạt (múa hoa, múa chim bay…), múa lao động (múa tuốt lúa, múa hái rau…) và múa tín ngưỡng (múa lễ hội đâm trâu, lễ hội mừng thần Mặt trời…). Với đồng bào Tày, Nùng, Thái, Mường…, nhảy sạp, múa xòe là những điệu múa dân gian đặc sắc không thể thiếu trong các ngày lễ hội đầu xuân. Các điệu múa này rất tự nhiên, dễ học, dễ thực hiện nên bất cứ ai cũng có thể tham gia, không phân biệt già trẻ, gái trai. Vào các ngày lễ hội, khắp các ấp, khu phố bà con tề tựu đông đủ, trong tiếng nhạc xập xình, say sưa biểu diễn điệu múa dân gian truyền thống của dân tộc mình.

Hiện nay, tại các nhà văn hóa dân tộc trên địa bàn tỉnh hiện đều có các đội cồng chiêng và múa riêng, chủ yếu phục vụ cho các sinh hoạt văn hóa của địa phương. Nhiều nơi đã duy trì và mở các lớp truyền dạy cồng chiêng, dạy múa cho người trẻ, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên. Múa dân gian là “món ăn” tinh thần không thể thiếu của đồng bào các dân tộc từ xưa đến nay. Để múa dân gian tiếp tục được giữ gìn và phát huy thì cần sự sáng tạo của giới làm nghề và sự chung tay của cả cộng đồng nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa, gắn kết cộng đồng.

DH

 

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu