Ghi nhận kết quả khảo sát mô hình phát triển du lịch vườn các tỉnh miền Tây

27/11/2020 1787 0

Vừa qua, Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đồng Nai đã tổ chức cho các hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ dân đang làm hoặc có tiềm năng phát triển du lịch vườn của Đồng Nai đi khảo sát, trao đổi kinh nghiệm phát triển du lịch sinh thái vườn tại các tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang. 

Tại tỉnh Vĩnh Long, Đoàn đã khảo sát, tìm hiểu mô hình phát triển du lịch sinh thái vườn và homestay tại Cù lao An Bình, huyện Long Hồ. Cù lao An Bình là điểm du lịch sinh thái nổi tiếng của tỉnh Vĩnh Long, thu hút hàng trăm ngàn lượt du khách mỗi năm. Tại đây, Đoàn đã được khảo sát, tìm hiểu một số mô hình homestay, tham quan các vườn trái cây và cơ sở sản xuất đặc sản truyền thống của địa phương. Bên cạnh đó, Đoàn cũng đã khảo sát chùa Tiên Châu (là một trong những ngôi chùa cổ nhất tỉnh Vĩnh Long) và làng đất nung Mang Thít là làng nghề truyền thống làm gốm, nung gạch có từ lâu đời và là một trong những địa phương có lò gạch, gốm thủ công lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Đoàn cũng đã có buổi gặp gỡ, giao lưu, chia sẽ kinh nghiệm làm du lịch vườn, homestay với ông Lê Hồng Phú – Giám đốc Công ty TNHH TM Du lịch Vĩnh Long (VINH LONG Tourist) và là chủ Homestay Phương Thảo. Ông Phú đã chia sẽ các vấn đề lên quan đến kinh nghiệm huy động vốn; cách thức phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch vườn, homestay; cách thức liên kết với các doanh nghiệp lữ hành, điểm đến homestay khác quanh vùng trong việc tiếp nhận và phân bổ các đoàn khách đông người.
Tại tỉnh Tiền Giang, Đoàn đã được trải nghiệm đi xuồng tham quan vùng sông nước Sông Tiền, nghe giới thiệu về phong tục, tập quán, nét sinh hoạt, văn hóa của cư dân địa phương; tham quan chợ nổi Cái Bè; tìm hiểu mô hình phát triển du lịch sinh thái vườn tại cồn Thới Sơn (cồn Lân). Đoàn cũng đã được thưởng thức trái cây, nghe đờn ca tài tử; thưởng thức ẩm thực, đặc sản địa phương; tham gia các trò chơi dân gian (xích đu, du quay...), tát mương bắt cá, làm nông, làm vườn...
Qua chuyến khảo sát, tìm hiểu thực tế các mô hình du lịch vườn tại tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang, các thành viên trong đoàn Đồng Nai đã có thêm sự hiểu biết, kinh nghiệm về phát triển du lịch vườn, homestay. Hầu hết các thành viên trong đoàn Đồng Nai đều cho rằng các điểm du lịch vườn của Đồng Nai không thua gì các tỉnh miền Tây, nhưng họ có cách làm hay, tổ chức tour tuyến chuyên nghiệp; họ biết cách liên kết với các công ty du lịch, lữ hành để có nguồn khách thường xuyên; họ có những hướng dẫn viên giỏi và biết cách tận dụng, phát huy những gì họ có nên du lịch sinh thái vườn, homestay của họ khá phát triển và hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Trong khi đó, các vườn trái cây của Đồng Nai hơn hẳn một số tỉnh miền Tây với ưu thế trái cây ngon, đa dạng, nhiều chủng loại, vườn rộng và tập trung, cảnh quan sạch đẹp, trồng nhiều hoa... và đặt biệt là gần với Thành phố Hồ Chí Minh là một thị trường du lịch lớn và là Trung tâm trung chuyển một lượng lớn khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.  Tuy nhiên hầu hết các điểm du lịch vườn của Đồng Nai còn thiếu hoặc cơ sở vật chất, tiện nghi phục vụ chưa đáp ứng được các yêu cầu, đòi hỏi các khách du lịch  như: thiếu nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh không đảm bảo; thiếu nhà nghỉ, nhà ăn cho khách theo đúng tiêu chuẩn du lịch); tổ chức tour tuyến du lịch chưa hợp lý, chuyên nghiệp; thiếu những thuyết minh, hướng dẫn viên giỏi... nên du lịch sinh thái vườn ở Đồng Nai phát triển còn nhiều hạn chế.

Để phát triển du lịch sinh thái vườn trong thời gian tới, các thành viên trong Đoàn kiến nghị Chính quyền các cấp từ xã đến tỉnh cần quan tâm, xem xét, hỗ trợ các HTX, Tổ hợp tác, nhà vườn trên địa bàn tỉnh trong việc vay vốn ưu đãi; có cơ chế, chính sách thoáng hơn trong việc xây dựng các homestay, nhà nghỉ phục vụ khách tại các nhà vườn; quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch tại địa phương nhất là đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên địa phương; hỗ trợ công tác tuyên truyền, quảng bá, kết nối nhà vườn với các công ty du lịch trong và ngoài tỉnh… 

NVT

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu