Gốm đất đen truyền thống xứ Đồng Nai

12/03/2021 3218 0

Trong lịch sử phát triển trăm năm, nghề làm gốm ở Biên Hòa được biết đến như một giá trị văn hóa mang tính biểu tượng cao ở xứ Đồng Nai. Đặc trưng nổi bật của gốm Biên Hòa là kết hợp men tro và chất tạo màu từ hợp kim đồng, màu men đá đỏ, gốm đất đen. Bởi vậy, các sản phẩm gốm Biên Hòa mang tính thẩm mỹ cao, được nhiều người ưa thích và đánh giá cao

Gốm Biên Hòa mang giá trị lớn về văn hóa và kinh tế, đây là một trong những ngành nghề truyền thống có giá trị gia tăng cao nhất, đặc biệt là men xanh trổ đồng và loại gốm đất đen nổi tiếng. Bởi từ khâu tạo mẫu, nguyên liệu đến sản xuất đều có sẵn tại địa phương. Loại đất dùng để sản xuất gốm đen là loại đất sét đặc trưng ở địa phương và một số vùng lân cận. Loại đất này vừa phải đạt độ dẻo, độ bền chắc, vừa phải cho ra được màu đặc trưng của sản phẩm gốm đen ở đây.

Hai yếu tố quan trọng tạo nên vẻ đẹp đặc trưng của gốm Biên Hòa là nguồn nguyên liệu cao lanh và đất sét màu chất lượng cao cộng với trình độ của đội ngũ thợ gốm có tay nghề. Có thể nói, tài nghệ của thợ gốm Biên Hòa chính là ở chỗ họ đã tiếp thu, hòa nhập được những nét tinh hoa của các nền văn hóa trong các sản phẩm của mình. Đặc trưng của dòng gốm này là các công đoạn làm thủ công và nung bằng lò nung củi trong nhiệt độ khoảng 1 ngàn 0oC trong thời gian khoảng 3-4 ngày đêm. Chính trong môi trường như vậy, dưới tác động của nhiệt độ cao, khói bụi của luồng lửa táp vào sản phẩm tạo ra men gốm đen, bóng, bền chắc với thời gian.

Gốm đen vốn nổi tiếng ở làng gốm Tân Vạn (nay thuộc khu vực như: Tân Vạn, Bửu Hòa, Hóa An, TP.Biên Hòa) từ hàng trăm năm trước. Gốm đen Biên Hòa đã khẳng định được vị thế và tính đặc trưng của làng nghề gốm truyền thống có tiếng tại Đông Nam bộ. Hiện nay, dòng gốm đen của Biên Hòa phần lớn được xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, châu Âu.

Thanh Xuân

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu