Lễ cúng Yang Koi của người Châu Mạ ở Đồng Nai

26/03/2021 1486 0

Người Châu Mạ ở Đồng Nai sống chủ yếu tập trung ở ấp Hiệp Nghĩa thuộc thị trấn Định Quán, và Tà Lài thuộc huyện Tân Phú, ở các các xã khác như Phú Sơn,  Phú Bình… cũng khá đông. Trong năm, người Châu Mạ có nhiều lễ cúng, trong đó lễ cúng Yang Koi được xem là lễ cúng lớn nhất trong năm.

Lễ cúng Yang Koi được diễn ra với hình thức hiến sinh bằng việc đâm trâu nên còn gọi là lễ đâm trâu, vì có tục đâm trâu để thực hiện nghi thức đầu tiên của buổi cúng và chia thịt trâu cho cộng đồng cùng ăn. Thời gian cúng thường diễn ra vào tháng hai đến tháng ba âm lịch, đó là thời điểm người Mạ đã thu hoạch mùa màng xong.Trước đây lễ cúng thường được tổ chức ở nhà dài nhưng những năm gần đây vì kết cấu cộng đồng đã có nhiều thay đổi nên mỗi nhà sẽ tự tổ chức.

Để thực hiện nghi lễ người Mạ dựng khoảng ba cây nêu trước sân theo hình tam giác. Cây nêu lớn dùng để cột trâu, các cây nêu nhỏ cột dê hoặc heo hoặc bò. Trên các cây nêu, người Mạ chia làm nhiều bậc để trang trí. Theo họ quan niệm, cây nêu phần trên hướng thẳng lên trời tượng trưng cho thần linh, phía giữa là tổ tiên và dưới gốc là con người. Trên các cây nêu, họ tạo những bông tre xoắn thành chùm, tượng trưng cho bông lúa lớn. Hai màu xanh, đỏ được dùng chủ yếu trong trang trí với quan niệm màu đỏ là huyết con vật được hiến sinh để báo cho thần linh, màu xanh cầu mong cho mùa màng xanh tươi. Dưới gốc cây nêu thường để những ché rượu cần mà mỗi nhà người Mạ làm đem đến.

Sau lễ cúng, mọi người cùng chung vui dự tiệc, các thanh niên nam nữ Mạ múa hát, những người già thì tập trung uống rượu cần và hát kể cho nhau nghe về cộng đồng của mình. Họ đốt lửa, ca hát nhảy múa cho đến sáng. Trải qua nhiều thay đổi, dẫu quy mô, nghi thức đã giản tiện hơn trước đây nhưng lễ cúng Yang Koi vẫn được duy trì nhằm thể hiện nét đẹp văn hóa trong đời sống tâm linh của người Châu Mạ. 

DH

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu