Hát Then là nét văn hóa đặc sắc của người Tày, Nùng

02/03/2023 1806 0

Hát Then trong đời sống, văn hoá tín ngưỡng, tâm linh của đồng bào Tày, Nùng, Thái vùng cao phía Bắc được ví là “điệu hát thần tiên”, điệu hát của “Trời”. Nghệ thuật diễn xướng dân gian này ẩn chứa và phô diễn những giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời.

Hát then thường diễn ra trong các nghi lễ, ngày hội, dịp vui của người dân tộc. Thông qua giao lưu văn hóa, đi xây dựng kinh tế mới, hát then ngày càng phổ biến ở các địa phương, trong đó có Đồng Nai. Xã Sông Ray (H.Cẩm Mỹ) có gần 30% dân số là người Tày, Nùng từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào sinh sống. Vì vậy, nơi đây có nhiều nét văn hóa đặc trưng của cộng đồng các dân tộc thiểu số.

Theo quan niệm người Tày, Then có nghĩa là “Trời”. Hát Then là một loại hình diễn xướng âm nhạc tín ngưỡng dân gian, có nội dung thuật lại cuộc hành trình của con người lên thiên giới cầu xin Then ban cho những điều may mắn và một cuộc sống tốt lành. Hát Then của người Tày phản ánh chuyện từ đời sống, bản mường, đến chuyện tình yêu, ma chay, cưới hỏi… Các nghi lễ cúng Then và hát Then của người Nùng thường diễn ra trong 2 ngày đêm với các nội dung như: Lễ cúng tổ tiên, hành trình lên mời Ngọc Hoàng… Trong thời gian diễn ra nghi lễ, âm nhạc luôn được biểu diễn với nhiều làn điệu phù hợp với từng phần lễ.

Tại Phiên họp ngày 12/12/2019 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 14 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) diễn ra tại Bogotá, Colombia, di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Không chỉ góp phần phát huy các trị văn hóa của dân tộc, loại hình văn nghệ này còn tạo sự đa dạng và thúc đẩy phong trào văn hóa – văn nghệ ở địa phương.

Thu Trang

 

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu