Tiềm năng phát triển du lịch TP. Biên Hòa

01/12/2020 2805 0

Thành phố Biên Hòa (Biên Hòa), tỉnh Đồng Nai là địa phương có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng. Về thiên nhiên, Biên Hòa có rừng, sông Đồng Nai, Cù lao Ba Xê, danh thắng núi Bửu Long, Du lịch Vườn Xoài… Về tài nguyên du lịch nhân văn, Biên Hòa có nhiều di tích văn hóa, lịch sử như đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, Chùa Ông, chùa Đại Giác, Văn Miếu Trấn Biên, Bảo tàng Đồng Nai, Đình An Hòa, Thành cổ Biên Hòa… và nhiều làng nghề, lễ hội truyền thống đặc sắc. 

Để thúc đẩy du lịch phát triển trong thời gian tới, Biên Hòa hiện đang có chủ trương phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương. Theo đó, Biên Hòa đang rà soát lại quy hoạch du lịch, chú trọng phát triển các nguồn tài nguyên du lịch trở thành sản phẩm du lịch để hấp dẫn, thu hút du khách, đặc biệt quan tâm phát triển một số sản phẩm du lịch sau: 

1. Du lịch rừng: Hiện nay, Biên Hòa còn soát lại khoảng 150 ha rừng tự nhiên, còn hoang sơ, có nhiều cây gỗ lớn, cảnh quan đẹp, có giá trị rất lớn để phát triển du lịch. Để phát triển nơi đây thành điểm tham quan, du lịch, Biên Hòa đang lập quy hoạch và kêu gọi các nhà đầu tư du lịch. 
Rừng Biên Hòa có vị trí thuận lợi là nằm gần các khu dân cư tập trung đông đúc và gần với các khu công nghiệp – nơi mà người dân có nhu cầu về vui chơi giải trí, du lịch, nghỉ dưỡng rất lớn. Nếu rừng Biên Hòa hình thành được các sản phẩm, dịch vụ du lịch đạt chuẩn phục vụ du khách như nêu trên và làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá thì tin chắc nơi đây sẽ là điểm sáng du lịch chẳng những của Thành phố Biên Hòa mà còn của cả tỉnh Đồng Nai.
2. Du lịch sông Đồng Nai
Để thúc đẩy loại hình du lịch sông phát triển, Thành phố Biên Hòa đang chú trọng công tác kêu gọi đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng như: xây dựng các bến bãi công cộng dành riêng cho du lịch; đầu tư bến đỗ tại các điểm dừng cho du khách lên xuống thuận tiện; cải tạo cảnh quan ven sông; hình thành khu chợ đêm đường Nguyễn Văn Trị (ven sông Đồng Nai), đồng thời quan tâm công tác phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch đường sông. Bên cạnh đó để du lịch đường sông thu hút du khách, các doanh nghiệp khai thác, kinh doanh du lịch đường sông cần đa dạng hóa sản phẩm du lịch của mình bằng cách như kết hợp giữa tham quan, du lịch đơn thuần với các hoạt động văn hóa văn nghệ (đờn ca tài tử, ca múa, biểu diễn thời trang...), thể thao (xem biểu diễn võ thuật, thi đấu thể thao, các trò chơi dân gian), lễ hội, tâm linh, tổ chức cho khách giao lưu với các doanh nhân, nghệ nhân nổi tiếng hoặc người có uy tín của địa phương... Ngoài ra, đơn vị kinh doanh du lịch phải có sự liên kết với nhau để có chính sách giá cả cạnh tranh, hợp lý để thu hút du khách đến với du lịch đường sông. 

3. Du lịch tìm hiểu di tích văn hóa, lịch sử: Thành phố Biên Hòa là địa phương có nhiều di tích văn hóa, lịch sử đặc sắc, có giá trị du lịch rất lớn như: Văn miếu Trấn Biên, Đình Tân Lân, Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, Chùa Ông, Chùa Đại Giác, Thành cổ Biên Hòa, Bảo tàng Đồng Nai... Tuy nhiên trong thời gian qua, lượng du khách đến với các điểm di tích văn hóa, lịch sử của Biên Hòa còn khá khiêm tốn.
Để thu hút du khách, trong thời qua Thành phố Biên Hòa và tỉnh Đồng Nai đã trùng tu, tôn tạo nhiều di tích, danh thắng như núi Bửu Long, Văn miếu Trấn Biên, Di tích Nhà Xanh, Thành cổ Biên Hòa... và sắp tới là trùng tu, mở rộng đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh nhằm mục đích bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích, trong đó có việc gắn kết với phát triển du lịch. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, quảng bá cũng rất quan trọng, Biên Hòa cần tăng cường công tác giới thiệu, quảng bá các di tích trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội, internet... để nhiều người biết đến. 
Thành phố Biên Hòa nằm ở vị trí thuận lợi, gần với Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương là những địa phương có dân số đông, có nhu cầu du lịch lớn nhưng lại rất thiếu những nơi cho người dân vui chơi giải trí, tham quan, nghỉ dưỡng, đặc biệt là vào những dịp cuối tuần, lễ, tết. Khi các sản phẩm du lịch như nêu trên hình thành, cùng với các điểm tham quan, vui chơi giải trí hiện hữu như Trung tâm Du lịch Bửu Long, Du lịch Vườn Xoài và sắp tới là Đô thị Du lịch Sinh thái Sơn Tiên (dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2018) sẽ tạo cho sản phẩm du lịch của Biên Hòa được phong phú, đa dạng. Chắc chắn khi đó du lịch Biên Hòa sẽ phát triển mạnh mẽ và có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng, tỉnh Đồng Nai nói chung.

 NVT

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu